Quý I/2022, có thể thiếu nguyên liệu cá tra cho chế biến

9th December 2021

Chiều 9/12, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức hội nghị trực tuyến “Giải phát phát triển nuôi cá tra tháng cuối năm 2021 và kế hoạch triển khai năm 2022”.

 

Vụ trưởng Vụ nuôi trồng Thủy sản (Bộ NN&PTNT) Như Văn Cẩn, báo cáo về tình hình nuôi cá tra hiện nay. Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN

Ông Như Văn Cẩn, Vụ trưởng Vụ Nuôi trồng thủy sản, Tổng cục Thủy sản cho biết, diện tích thả nuôi cá tra trong 3 tháng là tháng 7, 8, 9 giảm khoảng 30 - 55% so với cùng kỳ năm 2020 do nhiều địa phương phải thực hiện giãn cách xã hội. Diện tích thả nuôi cá tra trong thời gian này giảm mạnh nên từ tháng 1 - 3/2022 có thể xảy ra tình trạng thiếu nguyên liệu cho chế biến.

Tuy nhiên, diện tích thả nuôi trong các tháng 3, 4, 5, 6 và tháng 10 tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2020 nên năm 2021, dự kiến sản lượng cá tra đạt khoảng 1,5 triệu tấn, tương đương so với năm 2020 và kim ngạch xuất khẩu ước đạt trên 1,5 tỷ USD.

Theo ông Như Văn Cẩn, sau khi triển khai Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”, hoạt động sản xuất tại các nhà máy chế biến cơ bản đã được khôi phục. Nhờ đó, hoạt động thả nuôi được đẩy mạnh, góp phần thực hiện kế hoạch của ngành.

Hiện nay, hầu hết các doanh nghiệp vẫn đang tập trung mua cá cỡ lớn từ 0,9 - 1,3 kg trở lên với giá từ 23.500 - 24.000 đồng/kg.

Theo đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang, mặc dù các doanh nghiệp đã khởi động lại hoạt động sản xuất, nhưng công suất chưa phục hồi lại như trước dịch. Do vậy, hoạt động của ngành hàng cá tra vẫn chưa thực sự phục hồi.

Áp lực tăng giá nguyên liệu và vật tư đầu vào cộng với việc kéo dài thời gian nuôi làm chi phí sản xuất tăng cao ảnh hưởng trực tiếp đến ngành hàng cá tra. Năm 2021, giá thức ăn thủy sản tăng liên tục khiến giá thành sản xuất tăng từ 25 - 30%, trong khi giá bán cá nguyên liệu thấp hơn giá thành đã làm không ít hộ nuôi thua lỗ nặng. Thức ăn thủy sản đang chiếm từ 75 - 80% giá thành sản xuất; giá thành các vật tư đầu vào khác như: thuốc, hóa chất xử lý môi trường, thức ăn bổ sung, chế phẩm sinh học dùng trong nuôi trồng thủy sản cũng tăng giá từ 20 - 30%.

Do tình hình dịch COVID-19 diễn biến rất phức tạp đã ảnh hưởng xấu đến thị trường nên giá cá tra giống giảm mạnh. Các doanh nghiệp không thả nuôi mới nhiều khiến giao dịch thu mua giống và thả mới cá tra bột, cá tra giống ở mức hạn chế; đồng thời, nguồn giống ở mức thấp, tỷ lệ hao hụt cao do đang trong mùa mưa lũ. Hoạt động thu mua cá tra nguyên liệu của doanh nghiệp đến nay vẫn chậm, hoạt động thả giống cũng  chưa nhiều, nhất là các vùng, cơ sở nuôi sau khi thu hoạch tạm thời bỏ trống ao.

Ông Trần Văn Hùng, Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Hùng Cá đề nghị các tỉnh hỗ trợ nông dân và doanh nghiệp với cơ chế chính sách phù hợp, tạo điều kiện tốt nhất về quy hoạch vùng nuôi.

"Nông dân, doanh nghiệp muốn nuôi cá tra thì địa phương yêu cầu quy mô 50 ha trở lên mới làm được quy hoạch. Bởi vậy, kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng các địa phương tạo điều kiện tốt nhất cho nông dân và doanh nghiệp để nuôi và mở rộng vùng nuôi cá tra", ông Hùng nói.

Bà Nguyễn Ngô Vi Tâm, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn nhận định, những thách thức trong năm 2022 với cá tra là ngoài tác động của dịch COVID-19 thì giá thành thức ăn vẫn tăng "nóng", thiếu lao động, chi phí điện, nhân công tăng cao.

"Vừa qua, các doanh nghiệp chỉ được hỗ trợ giảm tiền điện cho khu vực chế biến, còn ở vùng nuôi không được giảm. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến người nuôi cá tra và Bộ cần có ý kiến với các bộ, ngành để hỗ trợ giảm tiền điện đối với các vùng nuôi", bà Tâm nói.

Bà Tâm cũng kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục có chương trình hỗ trợ về con giống; trong đó, có cá tra hậu bị để có nguồn con giống chất lượng tốt hơn.

Về xuất khẩu, Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã ban hành Lệnh số 248 về quy định đăng ký doanh nghiệp xuất khẩu nông sản, thực phẩm vào Trung Quốc và Lệnh số 249 về biện pháp quản lý giám sát an toàn thực phẩm xuất, nhập khẩu.

Các đại biểu lo ngại các Lệnh này sẽ có hiệu lực từ năm 2022 nên có thể ảnh hưởng đến các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thủy sản đông lạnh; trong đó, có cá tra.

Tuy nhiên, ông Lê Bá Anh, Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản cho biết, xuất khẩu thủy sản nói chung và cá tra nói riêng sẽ gặp thuận lợi khi xuất khẩu sang Trung Quốc vì đã đăng ký doanh nghiệp xuất khẩu sang thị trường này từ trước. Với 779 doanh nghiệp thủy sản đã đăng ký sẽ không phải đăng ký lại theo quy định mới của Trung Quốc. Do đó, các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra nằm trong danh sách này sẽ có nhiều thuận lợi. Các doanh nghiệp chưa có trong danh sách này phải đăng ký mới có thể xuất khẩu sang Trung Quốc từ năm 2022. Dù vậy, các doanh nghiệp sẽ gặp khó khăn khi Trung Quốc thắt chặt kiểm tra hàng hóa với chính sách "Zero Covid".

Ông Như Văn Cẩn cũng cho biết, từ nay đến cuối năm, ngành thủy sản tích cực tháo gỡ khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19 để phát triển sản xuất. Ngành tiếp tục chỉ đạo tổ chức sản xuất giống, vật tư đầu vào phục vụ nhu cầu thả nuôi tháng 12/2021 và các tháng đầu năm 2022. Đặc biệt, chỉ đạo thả nuôi để đảm bảo nguyên liệu chế biến trong năm 2022.

Bên cạnh đó, Tổng cục Thủy sản triển khác các đề án, nhiệm vụ nâng cao chất lượng giống cá tra phục vụ nuôi thương phẩm; chỉ đạo sản xuất cung ứng đủ con giống chất lượng cao để nâng cao hiệu quả, hạ giá thành sản xuất; hoàn thiện và vận hành tốt chuỗi liên kết sản xuất giống cá tra 3 cấp trên địa bàn tỉnh An Giang.

Chú thích ảnh

Quang cảnh Hội nghị. Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến đánh giá, khó có ngành hàng nào có lợi thế như cá tra với quy mô lớn và chuỗi sản xuất hoàn thiện. Vấn đề thời gian tới là nâng cao giá trị các thành phần trong chuỗi lên như: nuôi, chế biến, thương mại...

Để khắc phục khó khăn và sớm phục hồi trở lại, Tổng cục Thủy sản cần phối hợp với các địa phương, doanh nghiệp để triển khai những giải pháp đồng bộ. Các địa phương Long An, Hậu Giang, Tiền Giang, Sóc Trăng… tiếp tục đẩy mạnh hợp tác, liên kết chuỗi đối với các cơ sở nuôi nhỏ lẻ nhằm đảm bảo ổn định sản xuất. Địa phương phải vận động, hỗ trợ các doanh nghiệp chế biến thủy sản quan tâm xây dựng các vùng nuôi liên kết một cách chặt chẽ gắn với cơ sở nuôi thông qua hợp đồng bao tiêu sản phẩm có đầu tư, hỗ trợ kinh phí và cùng có trách nhiệm trong việc giám sát, theo dõi quá trình sản xuất.

Đồng thời, khuyến cáo các hộ nuôi chưa tham gia liên kết với doanh nghiệp thì tạm thời chưa thả cá, tiến hành nâng cấp điều kiện nuôi, tìm kiếm hình thức liên kết phù hợp để đảm bảo kế hoạch sản xuất ổn định, hạn chế rủi ro do tác động của dịch COVID-19 và thị trường, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho hay.

Theo Tổng cục Thủy sản, năm 2022, dự kiến sản lượng cá tra thương phẩm đạt trên 1,7 triệu tấn và kim ngạch xuất khẩu đạt trên 1,6 tỷ USD.

Bích Hồng (TTXVN)