CHẾ BIẾN OMEGA 3 TỪ CÁ TRA

21/06/2013

Ngành cá tra VN vững tin tìm hướng đi mới trước việc áp thuế phi lý của Mỹ.

Mức áp thuế cao gấp 25 - 45 lần trước đó được đưa ra trong đợt xem xét hành chính lần thứ 8 (POR8) về thuế chống bán phá giá (CBPG) cá tra phi lê đông lạnh nhập khẩu từ VN vào Mỹ. Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản VN (VASEP), với mức thuế mới bị áp quá cao, hoạt động của các doanh nghiệp (DN) bị áp thuế cực kỳ khó khăn, nhiều DN lợi nhuận giảm đến trên 35%... Thống kê của VASEP cho thấy xuất khẩu cá tra trong tháng 3 tiếp tục giảm trên 13%, đạt 140 triệu USD; tổng kim ngạch trong quý 1/2013 đạt 393 triệu USD, giảm 7,6% so với cùng kỳ năm ngoái...

Xuất mạnh qua DN không bị áp thuế

Trước những rào cản và khó khăn của ngành cá tra, ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký VASEP, phân tích: “Mặc dù kết quả POR8 quá xấu đối với các DN xuất khẩu chủ lực vào thị trường Mỹ, nhưng lần này cũng chỉ là một đợt xem xét hành chính lần thứ 8 thôi, còn kỳ thứ 9 vẫn đang tiến hành. Do đó, khả năng đi tiếp của DN vẫn còn. Bên cạnh đó, còn có 8 DN không xuất bán cá tra vào Mỹ trong giai đoạn POR8 (gồm Agifish, Thuận An, Thiên Mã...) nên họ vẫn được chịu thuế suất thấp của kỳ POR7 (từ 0 - 0,03 USD/kg), vẫn có cơ hội xuất khẩu vào Mỹ”.

Mới đây, Agifish vừa ký hợp đồng xuất khẩu 10.000 tấn cá tra (500 container), trị giá 36 triệu USD cho một số nhà nhập khẩu Mỹ, hợp đồng sẽ giao trong quý 2/2013. Giá xuất khẩu lô hàng này tăng 12% (trung bình khoảng 3,52 USD/kg) so với thời điểm trước khi DOC công bố thuế CBPG đối với cá tra VN trong đợt xem POR8. Ông Dương Ngọc Minh, Phó chủ tịch VASEP, cho biết: “Giá cá tra VN bán vào thị trường Mỹ hiện đã tăng 0,3 - 0,4 USD/kg lên mức 3,56 USD/kg (cá loại thường) và 3,75 USD/kg (cá chất lượng cao). Như vậy, giá cá tra VN vào thị trường Mỹ đã tăng trên 10% so với thời điểm giữa tháng 3 khi DOC công bố mức thuế CBPG với cá tra VN trong đợt POR8. Đây sẽ là cơ hội cho 8 DN có thuế suất thấp đẩy mạnh đưa hàng vào thị trường này”.

Chuyển sang chế biến dầu cá

Một hướng đi mới của ngành cá tra là chế biến dầu cá. Năm 2011, Tập đoàn Sao Mai An Giang cùng Tập đoàn Desmet Ballestra (Vương quốc Bỉ) khởi công xây dựng nhà máy tinh luyện dầu cá, thực phẩm chức năng tại VN với tổng số vốn đầu tư 15 triệu USD. Sau hơn một năm khẩn trương xây dựng, hiện dự án Nhà máy tinh luyện dầu cá của Sao Mai An Giang đang trong giai đoạn nước rút để kịp vận hành vào quý 2/2013. Sản phẩm của nhà máy có 2 loại là dầu lỏng và dầu đặc. Dầu lỏng sẽ được phân phối cho thị trường nội địa dưới dạng dầu ăn cao cấp, dầu dinh dưỡng cho trẻ em và một phần nhỏ cung cấp cho các công ty dược trong và ngoài nước. Dầu đặc được chế biến thành soft shortening, chủ yếu để xuất khẩu, là loại nguyên liệu giá trị cao phục vụ cho ngành công nghiệp sản xuất bánh cao cấp, chocolate...

Ông Lê Thanh Thuấn, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Sao Mai, cho biết: “Theo công nghệ tinh luyện của nhà máy, cứ 1 kg mỡ cá sẽ chế biến được 0,97 kg thành phẩm. Hiện nay, nhu cầu tiêu thụ dầu cá biển trên thế giới rất lớn, mà dầu cá tra thành phần gần tương đồng với dầu cá biển, đặc biệt là chứa omega 3 EPA, DHA - loại nguyên liệu dùng cho dược phẩm có giá trị rất cao, sẽ là nguồn thay thế dồi dào cho dầu cá biển ngày càng cạn kiệt. Nhà máy có công suất 100 tấn/ngày, sau 3 năm sẽ nâng lên 200 tấn/ngày, tương đương 62.400 tấn/năm. Việc chuyển hướng đầu tư vào lĩnh vực tinh luyện dầu cá, sẽ tạo ra một hướng đi mới, đột phá; đồng thời hạn chế phụ thuộc nguồn dầu thực phẩm nhập khẩu từ nước ngoài, tiết kiệm lượng ngoại tệ khá lớn cho nền kinh tế và tìm được lối ra cho nghề nuôi cá tra”.