Cổ phiếu thủy sản ngược dòng

08/04/2022

(ĐTCK) Giữa bối cảnh thị trường chung chịu áp lực điều chỉnh, nhóm cổ phiếu thủy sản vẫn bật tăng mạnh mẽ.

Ngược dòng

Nhóm cổ phiếu thủy sản đã ghi nhận đà liên tục tăng kể từ đầu tháng 3 trở lại đây. Đáng chú ý, trong phiên ngày 28/3, khi thị trường chung “nhuộm đỏ” sau khi có những thông tin bất lợi liên quan đến ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn FLC, nhóm cổ phiếu thủy sản vẫn ghi nhận đà tăng, một số cổ phiếu thậm chí tăng trần.

Cụ thể, trong phiên này, cổ phiếu VHC (của Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn) đạt thị giá 96.200 đồng/cổ phiếu, tăng 2,66% so với phiên trước và tăng 23,3% so với đầu tháng 3. Cổ phiếu IDI đóng cửa ở mức 27.400 đồng/cổ phiếu, tăng 6,61% so với phiên trước và tăng 66,5% so với đầu tháng 3.

Trong khi đó, cổ phiếu ACL tăng trần, đóng cửa ở mức 25.150 đồng/cổ phiếu. Cổ phiếu ANV đạt thị giá 44.800 đồng/cổ phiếu, tăng 4,19%; MPC tăng 6,8%, đạt thị giá 44.000 đồng/cổ phiếu.

Cổ phiếu thủy sản ngược dòng ảnh 1

Hoạt động xuất khẩu thủy sản sôi động là động lực cho đà tăng của nhóm này. Số liệu thống kê Hiệp hội thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, xuất khẩu thủy sản tháng 3/2022 ước đạt 920 triệu USD, duy trì mức tăng trưởng 25% bất chấp chiến sự tại Ukraine làm gián đoạn xuất khẩu thủy sản sang Nga và Ukraine từ cuối tháng 2 và làm tăng các chi phí vận tải, nguyên vật liệu sản xuất chế biến.

Tính đến hết tháng 3/2022, tổng giá trị xuất khẩu thủy sản của cả nước ước đạt 2,4 tỷ USD, tăng 40% so với cùng kỳ năm ngoái. Xuất khẩu thuỷ sản sang các thị trường chính trong tháng 3/2022 vẫn duy trì tăng trưởng cao. Trong đó, xuất khẩu sang Mỹ tăng 42%, sang Trung Quốc tăng 77%, sang EU tăng 37%, Hàn Quốc tăng 23%.

Nhiều doanh nghiệp cho biết đã tăng hết công suất nhà máy từ đầu năm để đáp ứng đơn hàng gia tăng mạnh. Luỹ kế tới hết tháng 3/2022, xuất khẩu cá tra ước đạt 646 triệu USD, tăng 88% so với cùng kỳ năm 2021. Cá tra đang lấy lại vị thế trong cơ cấu sản phẩm thuỷ sản xuất khẩu, đến nay chiếm 27% giá trị xuất khẩu thuỷ sản.

Ngành thủy sản đặt mục tiêu năm nay kim ngạch xuất khẩu đạt 9 tỷ USD, tăng 20 - 25% so với năm ngoái.

Tại Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn (mã chứng khoán VHC), lũy kế hai tháng đầu năm, doanh thu đạt 1.852 tỷ đồng, tăng 71% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, doanh thu sản phẩm cá tra tăng 160% so với cùng kỳ.

Sức cầu trên thị trường xuất khẩu tăng mạnh, kéo theo giá bán tốt hơn rất nhiều. Giá cá tra xuất khẩu của VHC đạt 4,15 USD/kg trong tháng 1/2022, tăng vọt so với mức 2,9 USD/kg cùng kỳ năm ngoái.

Theo Công ty Chứng khoán Nông nghiệp (Agriseco Research), giá cá tra có thể còn tiếp tục tăng trong bối cảnh nhu cầu từ các thị trường xuất khẩu ở mức cao, mà nguồn cung cá nguyên liệu bị sụt giảm. Hiện giá cá tra nguyên liệu tăng lên mức 32.000 đồng/kg, tăng gần 50% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tình trạng khan hiếm nguồn cung cá nguyên liệu bắt nguồn từ việc giá cá tra tại Việt Nam bước vào chu kỳ giảm giá từ năm 2018, khiến nhiều hộ nông dân chán nản, bỏ nuôi. Đợt bùng phát đại dịch Covid-19 trong quý III/2021 tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long tiếp tục làm ảnh hưởng trầm trọng hơn tình trạng này.

Nhận định đưa ra từ nhóm chuyên gia phân tích của Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam, giá cá tra sẽ vẫn ở mức cao trong nửa đầu năm 2022 do nguồn cung hạn chế. Chu kỳ nuôi cá tra là 6 tháng, các nước xuất khẩu cá tra đều bị ảnh hưởng bởi Covid-19 trong 2 quý cuối năm 2021, do đó, phải đến nửa cuối năm 2022, nguồn cung cá tra ở các thị trường này mới có thể phục hồi.

Ngoài ra, kỳ vọng nhu cầu cá tra mạnh tại thị trường Mỹ sẽ tiếp tục là động lực tăng trưởng ngắn hạn cho VHC nhờ lợi thế riêng là mức thuế suất ưu đãi 0% vào thị trường này.

Kỳ vọng lãi lớn

Công ty cổ phần Đầu tư quốc gia I.D.I (mã IDI) vừa lên kế hoạch lợi nhuận sau thuế năm nay đạt 900 tỷ đồng, cao gấp 6,3 lần so với thực hiện của năm ngoái. Trước bối cảnh giá cá tra tăng cao, IDI tự tin khi đang có lợi thế hàng tồn kho lớn và chủ động nguồn nguyên liệu với vùng liên kết hơn 400 ha.

Tại đại hội cổ đông, dự kiến tổ chức vào ngày 15/4 tới, Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu thủy sản Cửu Long An Giang sẽ trình kế hoạch kinh doanh năm 2022 với mục tiêu doanh thu 1.450 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 200 tỷ đồng, lần lượt tăng 19,5% và 320% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong khi đó, theo dự phóng của Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC), lợi nhuận sau thuế của Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn (mã VHC) trong năm nay có thể đạt mức tăng trưởng 35% nhờ lợi nhuận cao từ mảng phi lê và mảng collagen, gelatin.

Bên cạnh mảng cá phi lê truyền thống, các mảng sản phẩm khác dự báo của Vĩnh Hoàn cũng cho hiệu quả kinh doanh tốt hơn. Mảng Wellness và Feed vẫn tiếp tục là những mảnh ghép quan trọng trong doanh thu và lợi nhuận, đóng góp vào tăng trưởng của Vĩnh Hoàn. Với khả năng tự chủ được 70% nguyên liệu đầu vào, VHC hưởng lợi lớn từ giá bán tăng.

Mới đây, Bộ Thương mại Hoa Kỳ vừa có kết quả rà soát thuế chống bán phá giá mới đối với cá tra Việt Nam. Theo kết quả này, VHC tiếp tục được hưởng thuế bằng 0. Hiện Mỹ vẫn là thị trường chiếm tỷ trọng xuất khẩu lớn của Công ty. Doanh số xuất khẩu vào thị trường này trong tháng 2 của VHC tăng đến 221% so với cùng kỳ năm ngoái.

Lĩnh vực dịch vụ thực phẩm trên toàn cầu đang phục hồi sẽ thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ thủy sản, trong đó có cá tra. Theo dự báo của Hiệp hội Nhà hàng quốc gia Mỹ, doanh số bán của nhà hàng và dịch vụ ăn uống tại Mỹ sẽ tăng 12% vào năm 2022. Hoạt động xuất khẩu của các doanh nghiệp thủy sản sẽ hưởng lợi cùng đà phục hồi này. Động lực cung - cầu thuận lợi giúp nâng cao giá bán thực tế.

Bên cạnh đó, theo Hiệp hội Thủy sản Việt Nam (VASEP), trong bối cảnh xung đột Nga - Ukraina tiếp tục leo thang và các nước phương Tây áp dụng nhiều lệnh cấm vận với hàng hóa Nga, các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam có cơ hội giành thị phần của Nga ở các nước nhập khẩu cá thịt trắng như Mỹ, EU…

Phân tích sâu hơn về vấn đề này, Công ty Chứng khoán Mirae Asset cho rằng, Việt Nam là nước xuất khẩu cá tra lớn nhất thế giới, là đối thủ cạnh tranh trực tiếp của cá Minh Thái từ Nga. Do đó, các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra và các thủy sản thay thế sẽ được hưởng lợi trực tiếp.

“Xuất khẩu thủy sản và xuất khẩu lương thực vẫn là hai nhóm có triển vọng tăng trưởng lợi nhuận tốt nhất trong năm 2022”, Mirae Asset nhận định.