Tôi thực sự không lường trước được diễn biến tâm lý nhà đầu tư lại chịu ảnh hưởng lớn đến vậy. Xin nói rõ để các nhà đầu tư yên tâm là số cổ phiếu này tôi không bán ra thị trường, cho các nhà đầu tư nhỏ lẻ, mà tôi sẽ bán thỏa thuận toàn bộ lượng cổ phần cho một vài đối tác của mình nắm giữ để họ đồng hành lâu dài cùng IDI. Gần đây, hoạt động của IDI có chuyển biến rất tích cực nên có nhiều đối tác quan tâm và muốn đầu tư vào Công ty.
Sở dĩ tôi bán ra toàn bộ 12,5 triệu cổ phiếu IDI bởi vì IDI là công ty con của Tập đoàn Sao Mai. Sao Mai đã nắm giữ cổ phần chi phối IDI lâu rồi, còn tôi và gia đình chi phối Sao Mai nên thực sự 5% cổ phần tại IDI tôi sở hữu không có ý nghĩa về mặt quản trị doanh nghiệp. Số tiền thu được từ chuyển nhượng cổ phần, tôi có thể đầu tư ngược trở lại cho các doanh nghiệp trong hệ thống của Tập đoàn Sao Mai.
Dây chuyền sản xuất thủy sản sạch - an toàn tại Công ty IDI.
Ông có đề cập đến chuyển biến tích cực của IDI gần đây là lý do hấp dẫn đối tác đầu tư mua cổ phần. Đó là những chuyển biến gì?
Đại dịch Covid-19 đã để lại nhiều ảnh hưởng tiêu cực tới cộng đồng doanh nghiệp, dù vậy như cha ông ta vẫn nói trong “nguy có cơ”. Nhu cầu thực phẩm ở các thị trường xuất khẩu chủ lực của IDI như Nam Mỹ, Trung Quốc tăng mạnh. Hiện đơn hàng của chúng tôi đã kín cho tới tận năm 2022. Đặc biệt giá cá tăng rất cao.
Hiện các thị trường như Brazil các đơn hàng đã tăng giá khoảng 30% so với quý trước. Nếu như cùng kỳ năm ngoái giá cá tra chỉ đạt 17.000-18.000 đồng/kg thì nay đã tăng lên gần 24.000 đồng/kg. Chúng tôi hợp tác bao tiêu sản phẩm cho bà con nông dân với giá 22.000-23.000 đồng/kg nên cũng được lợi từ phần ổn định nguồn nguyên liệu.
Lực lượng công nhân, nhà máy hoạt động “hết công suất” để đáp ứng các đơn hàng Tết cho các đối tác sắp tới.
Báo cáo tài chính quý III của IDI có khoản mục hàng tồn kho lên tới 1.400 tỷ đồng. Ông có thể chia sẻ rõ về lượng hàng tồn kho này với các nhà đầu tư?
Hàng tồn kho, thực chất là hàng dự trữ chiến lược. Khủng hoảng dịch bệnh, nhiều doanh nghiệp không tổ chức sản xuất được trong giai đoạn giãn cách xã hội, IDI đã mua được nguồn nguyên liệu thấp, chế biến trong lúc tổ chức ba tại chỗ. Bây giờ năng lực xuất khẩu phục hồi mạnh, có sẵn hàng tốt để giao cho đối tác là một lợi thế đặc biệt.
Số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn ước tính kim ngạch xuất khẩu cá tra năm nay ước đạt 2-2,2 tỷ USD, là một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. IDI có giải pháp gì để gia tăng kim ngạch xuất khẩu trong thời gian tới?
Trong thời gian các tỉnh phía Nam giãn cách xã hội thắt chặt do dịch bệnh căng thẳng, nhiều doanh nghiệp phải đóng cửa, ngừng hoạt động, IDI đã tổ chức phòng dịch tốt, công nhân vẫn đi làm liên tục, duy trì hoạt động các nhà máy ổn định, nên đơn hàng đã gia tăng rất cao. Hiện nay công nhân của chúng tôi đã được tiêm đủ 2 mũi và đã trở lại làm việc bình thường, tập trung cao độ cho chiến dịch hàng cuối năm, vốn là mùa cao điểm ăn hàng ở các thị trường do vào dịp lễ Tết.
Một thuận lợi nữa là cước vận tải biển đã giảm mạnh, vào khoảng 30% so với đỉnh điểm giữa năm nay. Đây là thuận lợi lớn cho các doanh nghiệp xuất khẩu.
Ứng dụng công nghệ kỹ thuật cao trong các khâu sản xuất nâng tầm giá trị sản phẩm.
IDI đang đứng trước các cơ hội lớn và chúng tôi sẽ nỗ lực, tập trung vào nhiều giải pháp để tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu. Từ những kinh nghiệm vừa qua, IDI đã có năng lực sản xuất và xuất khẩu mạnh hơn trước khi giãn cách xã hội ở các tỉnh phía Nam. Tôi tin, cơ hội tới đây là rất lớn cho các doanh nghiệp có thực lực và quyết liệt thực hiện, biến các chiến lược thành hiện thực.